Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

MỘT BỨC THƯ


BỨC THƯ GỬI MỘT NGƯỜI BẠN RẤT THÂN
                                                         
12h50p PM.
Bà ngủ chưa? Căng thẳng đầu óc quá nên tranh thủ ghi cho bà vài dòng. Đáng lẽ ra là tui viết tay, nhưng dạo này không thể viết tay được nữa bà ạ, chữ cứng ngẳng đi được. Bà nhận thư đánh máy vậy nha. Nhận được thư của tui chắc bà hét lên vì sung sướng và suốt ngày ôm ấp nó đi ngủ nhỉ. Ha ha, nghĩ tới cảnh ấy là tui không nhịn được cười. Gớm, nhưng tui cười nham nhở mấy cũng không bằng bà được. hí hí.
Hôm nay tui đi học cả ngày, may mắn là Thầy giáo rất đẹp trai và ga lăng, lại uyên thâm nữa cho nên tui không ngủ gục (ngạc nhiên chưa?), chỉ tiếc là thầy đã gần 60. hé hé (tui vẫn dê như xưa nhỉ). Nói thế thôi, chứ ngồi học mà không có mấy cái suy nghĩ này thì tui học không vô.
Bà vẫn đang học đó chứ? Lo mà học đi nha “vì tương lai con em chúng ta, mặc kệ cha con em chúng nó” . Nhưng đừng mặc kệ cha con em của tui là được nạ. Bà có nhớ hồi hai đứa mình chở hai đứa em đi thi tốt nghiệp không? Có một bác leo lên tầng hai ném bài vào cho con, bị công an đuổi, chặn hết ngả cầu thang. Thế rồi, bác leo lên lan can và hét lên: Vì tương lai con em chúng ta! Về nhà, tui và bà cứ tranh nhau kể cho Cha Mẹ nghe đó.
Đôi khi tui cứ nghĩ quẩn: không hiểu mình học vì cái gì?
Vì Cha Mẹ ư? Cặm cụi với ba con chữ, cặm cụi với sách vở, cặm cụi như một con ong chăm chỉ hút mật… đồng nghĩa là Cha Mẹ phải cặm cụi với đồng áng, cặm cụi với lo toan, cặm cụi với niềm tin “mong con mình công thành danh toại”… rồi ra trường, rồi chồng tiền đi xin việc, rồi thất nghiệp… rồi nghèo vẫn hoàn nghèo.
Vì Đất nước ư? Đất nước có cần tui không bà? Bạn tui ra trường, tốt nghiệp bằng giỏi, giờ về làm công nhân xi măng, đứa thì đi bán chè… Ừ, đất nước cần, nhưng cần những kẻ “nghịch dị”, “làm việc trái nghề” với kĩ năng siêu việt mà dân đào tạo chính quy không hề có được…Tui đang lo đây.
Vì muốn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn? Là điều gì? Khi đôi tay đã lạc cánh, đôi chân lạc bước chân? Và con tim đã hoài nghi, đổ vỡ?
Thế mà tui vẫn cứ cặm cụi thật. Bởi tia hi vọng còn sót lại. “Ông trời sẽ không phụ công những kẻ có chí”.
Hai lăm năm hiện hữu trên thế giới này, hai lăm năm đủ để tôi nhận ra sự hư vô của con người của vạn vật. Chẳng có gì là mãi mãi… và cái đẹp thực sự là cái đẹp dở dang, vỡ tan, nát vụn và biến mất. Chính về thế mà con người cứ mải đi tìm cái đẹp… nhưng có rồi mất đi, mất đi rồi có lại… quẩn quanh mãi thôi.
Thế rồi ta sẽ có gì??? Chẳng có gì cả. Thật đấy, bà không tin tui ư? Rồi bà sẽ phải tin thôi. Tui kể cho bà nghe câu chuyện này, tui đọc được ở đâu đó, tui không nhớ nữa: Câu chuyện có tên là: Lời của đóa hồng:
“Tớ ghét hoa hồng nhung. Hoa gì mà đỏ lòm, mùi hăng hắc, thế mà cũng vênh vênh cái mặt. Mỗi lần đi mua hoa, tớ tránh xa loài hoa ấy. Thế mà, tớ bị dính quả đậm, đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”. Chẳng là đi học về, cô bé trong xóm chạy sang: “chị ơi, cho chị nè! Em mua bà gánh hang hoa ngoài ngõ đấy! Tớ cười méo mặt: hiii, hic hic, cảm ơn cô bé nhiều nhiều!. Cầm đóa hồng trên tay tớ nghĩ: chẳng lẽ lại “phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Đành chặc lưỡi: thôi được sẽ cho mi một cuộc sống. Loay hoay đi tìm lọ, giật mình chẳng có cái lọ hoa nào nữa cả. Lạ nhỉ, mình có rất nhiều mà… à, đã cho hết vào sọt rác rồi còn đâu… sự xóa sổ cho một tình yêu… Làm thế nào bây giờ? Tự nhiên thấy thương đóa hoa bé bỏng. Sao con người lại độc ác vậy chứ? Nỡ bắt nó lìa xa đồng loại của mình, lìa xa mảnh đất mẹ ôm ấp chở che… đã thế lại còn rơi vào tay tớ. Đến một cuộc sống tớ cũng không thể cho nó được…”
- Này, bà chị xấu tính!
- “ủa, ai vậy nhỉ?”
- Tôi đây
- Ai?
- Hoa hồng nhung
-…
- Đừng sợ! Tôi cũng là một kiếp sinh linh.
- …
 - Bà chị gì mà run cầm cập thế, nhìn cái mặt mạnh mẽ thế mà cũng nhát gan nhỉ?  Thôi thế cũng được, chị cứ im lặng nghe tôi nói nhé. Tôi biết chị đang nghĩ gì, cảm ơn chị đã trân trọng tôi, thương cho kiếp hoa là tôi. Thực ra cũng giống như con người, chúng tôi có loài hoa sâu và loại không sâu, nhưng khác con người ở chỗ chúng tôi sinh ra là có nhiệm vụ làm đẹp cho cuộc đời này dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Con người thường hay gọi đó là số phận. Vì thế, không là nơi tiện nghi, hào nhoáng mà là nơi bụi bặm, đơn sơ chúng tôi vẫn thực hiện số phận của mình như một điều hạnh phúc. Chai C2 trên kia chị đã uống hết rồi đấy, hãy cho tôi ỏ trong đó đi. Chỉ một giây tươi tắn để ngày mai tàn héo, tôi cũng thấy rất vui mà.
          Tớ lấy chai C2 đi súc nước thật sạch, bỏ vào một ít nước máy, một ít đường rồi cho đóa hồng vào trong đó. Cả cuộc cà phê buổi tối, tớ luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh đóa hồng đẹp rực rỡ dưới ánh nắng chiều tà… và ngày mai nó sẽ tàn.”
Câu chuyện thế nào hả bà? Bà đã tin những điều tui nói chưa?
À, chắc bà lại nói tui sến chứ gì? Câu chuyện đối với bà chán lắm phải không? Vậy tui kể cho bà nghe chuyện này nữa nhé. Khá là vui đấy, chắc chắn là bà sẽ cười ha ha giống như hôm đi họp lớp ấy, hôm đó bà uống rượu lên như điên ấy nhỉ? Hiiii. Hôm tui đi học cho bà chị bên bằng hai, giờ ra chơi tui nghe được đoạn hội thoại như thế này, tui đặt tên câu chuyện đó là: Hỏi – đáp – có- không – có.
“ giờ ra chơi:
- Các bạn ngồi lại trong lớp ít phút đã nhé
          - Cái gì đấy lớp trưởng ơi?
          - À, phiếu đánh giá giảng viên giảng dạy một số môn mình đã học, các bạn làm rồi nạp lại cho mình trong giờ ra chơi luôn nhé. Nhanh thôi mà
          - Phiền phức nhỉ
          - Roẹt!
          - Sao chị lại xé thế?
          - Cái lão này cho tớ rớt
          - Chị chẳng biết tôn trọng là gì cả nhỉ?
          - Kệ tao, việc ai người ấy làm nha
- Xem nào, cái môn này, thôi, “hoàn toàn đống ý” đi cho nhanh mà đi xả đê.
- Này, làm giùm tao với, không có hứng thứ với mấy thứ này, có thay đổi được gì đâu.
- Ê, thằng kia, đi học muộn vậy? vào nhanh mà làm phiếu điều tra kìa!
-  Uí, mùi bia kinh quá
- Hê hê, mấy đứa sinh viên chúng muốn qua môn ấy mà
- Em sướng nha, thế ăn có no không?
- Đi ăn xong, chúng còn lôi em đi tăng 2, hét hò nhảy nhót ầm ĩ. Chúng sướng thật đấy, ngày xưa em toàn ăn mì tôm.
- “Thời thế tạo anh hùng mà”, ha ha, thế nên bây giờ chú mới có cơ hội ăn ngon chứ nhỉ?
- Hai bên đều có lợi mà chị, nhưng em vẫn thích dạy cấp 3 như chị hơn. Nhàn!
- Nhàn con khỉ mốc, học sinh bây giờ gặp giáo viên hắn cũng không chào. Đã thế còn bình phẩm: hôm nay cô có mặc đẹp không? Cô đi giày của hãng nào?... Lương lại chẳng đủ đổ xăng, đám cưới, đám ma… ơ hời…
- Em cũng có đủ sống đâu chị
- Kiếm người yêu đi
- Đang nghèo thế này, ai đồng ý làm người yêu em? Rồi tiền đâu em mua quà tặng người yêu?
Bộp! Bộp! Các bạn nộp phiếu lại cho mình nào!”
Cười đã chưa hả? Tui đã cười suốt khi nghĩ về đoạn hội thoại này đấy.  Bà nghĩ gì nào? Nhớ hồi âm cho tui nhé. Gửi mail cho tui cũng được. Tui chắc chắn rằng bà cũng sẽ đánh máy cho tui thôi. Khi nào bà gửi mail cho tui, nhớ gửi cho tui phần đầu truyện ngắn "Ai cũng có con rắn hổ mang trong người" nhé.  Tui vẫn chưa hiểu lắm, muốn đọc phần đầu để khám phá thêm rồi mới mới viết cảm nghĩ như bà đã nói chứ. Tui thích nhất là đoạn này:
Một lần khi có một đứa trẻ hỏi Y tại sao ăn cơm lại nhanh lớn. Y im lặng… cả những gì sau này nữa khi nhớ về câu hỏi của đứa trẻ con đó Y vẫn im lặng. Trong tiềm thức chiếc thìa đút vào miệng ồng ồng cơm, nước, thức ăn, nghẹn và tiếng la ó hiện về mồn một trong căn phòng đệm trắng, chất trắng và phấn trắng. Mẹ Y họa sĩ , không đẹp, chẳng nổi tiếng và tranh không bán được bởi tranh của Bà toàn màu trắng. Lúc thì trắng tinh, trắng toát, lúc thì trắng đục, đôi lúc vô tình Y làm đổ mực đen đúa. Sông nhờ tiền trợ cấp của ông ngoại, hai mẹ con chẳng bao giờ nói với nhau nhưng xa nhau thì không thể. Hai chiếc bóng cũng cần có nhau. Những miếng cơm của bà đút là sự vỗi vã, đau đớn, hận thù và giọt nước mắt mà sau khi lớn lên chút Y mới hiểu được. Những hình ảnh nhập nhằng của bà với những người đàn ông tới  lúc đêm khuya… khiến Y căm cái miệng của phụ nữ, đến nỗi khi nhìn thấy cái gì tương tự Y nôn lập tức. Chẳng có một người bạn, y cứ lủi đi qua những năm tháng học trò để khi trở thành một họa sĩ y lại dùng màu đen làm chủ đạo cho tranh của mình.
Nhấp từng tí càfê đen đặc không đá ko đường, Y lang thang bên góc của một ngôi nhà cổ, ẩm ướt và lòng day dứt. Có một Cô gái đang đợi anh ở đó. Nhìn thấy anh cô gái bỏ quyển sách “Gặp lại” của Levi xuống, nhẹ nhàng hôn lên đôi má đầy màu vẽ đen của y và mỉm cười. Y quay đi và bước, tim nặng trĩu.
- Này anh!  cô gái gọi, Y ngoảnh lại. 3 ngón tay của cô gái đưa lên. Y gật đầu và bước tiếp ùa chạy với nỗi niềm không thể có cách nào khác. Bởi cô gái ấy đã dùng miệng hôn lên má Y.  Ba ngón tay như lời hứa của y ba lần hôn, Y không nôn thì Y sẽ yêu cô ấy. Mà sao khó quá như giấc mơ hãi hùng. Một con khỉ muốn sang sông đành phải gửi từng bộ phận qua trước để cuối cùng chỉ còn quả tim chìm giữa sông, miên man với đất trời và trôi vào rừng, Y có trôi về rừng được không, Y cũng là con khỉ mà, con khỉ ừ là con khỉ.
Y về, mẹ Y đang lúi húi, cơm nhòa nhoẹt, Y ăn cơm mẹ nấu. Cải bắp sao hôm nay đen quá, mẹ bảo mẹ đổ nhầm màu vẽ. Y vẫn ăn, mẹ y vẫn ăn. Thỉnh thoảng hai mẹ con liếc nhìn nhau. Ăn xong hai mẹ con đi uống becborin. Y pha thêm 2 gói mì.  Nhìn bầu trời kịt đen, bỏ dở bát mì, Y vẽ. Vẽ không nghừng nghỉ. Là một bầu trời đen, hai còn rắn đen cuồn cuộn lồng vào nhau, rằn rện máu đen, đôi mắt ti hí đục ngầu. Tưởng như chúng đang ập tới nuối chủng căn nhà của mẹ con Y. Thấp thoáng có cô giá màu xám sau tấm lưng của hai con rắn. Thấy cô gái, Y không vẽ nữa. Bức tranh được đặt giữa nhà. Chuông điện thoại reo, của cô ấy: “Cuộc sống mà, lặng lẽ đặt bên ta những người bạn, mang tặng ta những niềm vui có thể ta giành được trong đấu tranh, chờ đợi nhưng cũng lặng lẽ cướp đi của ta những điều quý giá nhất một cách bất ngờ và đau đớn. Trong cuộc đời có những ngưỡng cửa không thể vượt qua mà chỉ dám nhìn trong nuối tiếc giá như… để rồi bước đi và cố gắng tìm ra chân lí cho chính bản thân dù biết sự mất mát vẫn có thể xảy ra. Sống là biết đấu tranh, bước qua nỗi đau hiên ngang để hạnh phúc luôn mỉm cười với những người ta yêu thương và cho chính bản thân ta. Anh à tại sao không thể?” Nói xong cô ấy khóc nức nở. Y cười ha hả, rồi tắt máy như một thằng điên. Y dựa sát vào tường lấy lọ màu vẽ đổ lên đầu, đen kịt cả khuôn mặt. Một, hai, ba không bốn … tất cả, mẹ nó oằn lên đau đớn, ba nó? không thằng khốn nạn đó đã đẩy Y ra ngoài, đóng cửa lại. Y gào thét bất lực.  Không thể! Y vùng chạy.
Trong cơn nhập nhoạng, cô gái ấy đến bên Y, dìu Y về nhà. Nấu cho Y và mẹ Y ăn. Ngon và không có màu trắng và đen. Lần đầu tiên mẹ Y hôn lên má Y. Giật mình mênh mang, Y ôm mẹ khóc. Màu đen hòa vào màu trắng và cả màu hồng bên cạnh, những bàn tay và nỗi đau tan theo nước mắt…
Đêm tôi về, tôi nằm mơ thấy hai con rắn nhưng chúng mỉm cười và âu yếm tôi. Ngủ dậy lão chồng tôi mới vẽ xong bức họa “cô gái ngủ muộn” và đã mua tờ báo mới để trên bàn. Tôi vớ lấy đọc
Thông báo: Ngày tháng năm: một họa sĩ trẻ đầy tài năng đã ra đi ở tuổi 25, phòng tranh đã được bà mẹ bán đấu giá. Toàn bộ tranh mang tên “rắn ngủ yên”

Mùa này, ở Huế muỗi nhiều kinh khủng. Từ lúc nãy tới giờ chúng lấy của tui không biết bao nhiêu là máu, đi bán chắc cũng được vài tỉ. Bà ở trong đó nhớ mắc màn rồi đi ngủ nhé, đừng có nhác mà muối cắn cho một nghĩa trang trên mặt đấy. Tui đi ngủ đây. Nhớ sắp xếp thời gian  trả lời thư tui nhé!
Bạn của bà: người suốt đời phấn đấu cho hai chữ “bình thường”.
P/S: Con bé cạnh phòng đang đọc bài thơ “trăm năm cô đơn” của tui đấy:
Tôi chạy vào chốn trăm năm cô đơn chìm trong Macondo tránh chốn cô đơn nơi thực tại ão não, hão huyền
Tôi như hòa vào bản đàn phiêu du  đầy ắp tình yêu của pietro crespi dành cho Amanrata
Tiếng đàn dương cầm du dương cho tình yêu là kẻ chiến bại
Đó là tình yêu tôi tôn thờ duy nhất
Trên đời nỗi khát khao chiến bại chết chóc là tảng mây đen đuổi con người đi tất bật, vội vã, tàn ác, và đánh mất tất cả
Đại tá aureliano buendya chạy theo thói kiêu ngạo
Những cuộc chính chiên
Vết máu làm đổi màu những chiếc áo đậm đặc
Những đứa con khắp nẻo chết bởi dấu hình chữ thập trên trán
Còn gì đâu?
 Cụ Hose quẩn quanh với những phát minh
Hóm hỉnh, thông minh và trẻ con
Và có lúc trẻ con đã làm nên những việc lớn
Cưới Cusula, lập làng, và chính ông cũng là kẻ chạy trốn sự bất thường của hôn nhân dựng xây một ngôi làng mang vẻ mặt cô đơn, thảng thốt.
Làng Macondo từ thửa khai sinh, trù phú, sầm uất cho tới khi bị cuốn trong lũ lụt
Tất cả như điên loạn
Thực ra họ bị cuốn bởi lụt của danh vọng, đam mê, khát khao chiến thắng điên dại
Kẻ cuối cùng của dòng họ Buendya là Aureliano Babilonia  cũng không thoát khỏi sự đổ ập của dục vọng, vướng víu ngay cái tội mà ngươi đứng đầu đã tìm cách chạy trốn
Anh ta chết giữa đàn kiến
Thịnh suy trong chốc lát
Thở dài…
Tôi không ở trong ngôi làng đó nữa
Chạy ra, về thực tại cuộc sống của tôi
Tôi đang làm gì? Cho trọn một kiếp người
ừ thì cô đơn đeo bám
ừ thì danh vọng đeo bám
ừ thì tình yêu đeo bám
Cuộc đời có gì đâu
Nâng chén rượu tiêu sầu
Tất cả chỉ là hư vô
Con người cũng hư vô
Bài thơ này cũng chỉ là hư vô
Và tôi nữa cũng là kẻ hư vô. Bạt ngàn mây gió phong sương.
1h21p Pm. Chúc bà ngủ ngon.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét